Ai trả giá cho những thỏi son của bạn

Mascara, dầu gội, son môi, nước hoa… trước khi đưa ra thị trường đều phải bảo đảm độ an toàn cho người dùng. Các công ty tạo ra sản phẩm làm đẹp chọn một phương pháp xấu xí để thực hiện điều đó: Thử nghiệm trên động vật (Animal Test).

Những thử nghiệm tàn nhẫn

Thử nghiệm cay mắt:

Cho những sản phẩm sử dụng ở gần mắt như mascara, dầu gội… Hầu hết những sản phẩm này đều có khuyến cáo người sử dụng không để lọt vào mắt, tuy nhiên, trong thử nghiệm, người ta trực tiếp nhỏ chúng vào mắt thỏ trắng rồi quan sát trong ít nhất 3 ngày, khi mắt của con vật bị thử nghiệm đỏ lên, viêm loét, sưng to và mờ đi để kết luận về độ kích ứng đối với mắt.

Thỏ là lý tưởng cho thí nghiệm này vì chúng chảy nước mắt rất chậm, nên mỹ phẩm không bị trôi đi và quan sát dễ dàng hơn. Tuy nhiên, lớp giác mạc bên ngoài đôi mắt là một trong những phần mẫn cảm nhất cơ thể, do đó đối với chú thỏ xui xẻo, bị đem ra thử nghiệm nghĩa là sẽ chịu đau đớn vô cùng và gần như chắc chắn mù lòa khi thí nghiệm kết thúc.

Thử nghiệm xót da:

Chuột và thỏ là những nạn nhân được ưa thích. Người ta cạo sạch lông từng mảng trên lưng chúng, cào xước phần da ở đó để tăng độ nhạy cảm và thẩm thấu, bôi một lớp dày chất cần thử nghiệm lên trong 4 tiếng rồi quan sát sự đỏ tấy, ghẻ lở, nhiễm trùng trầm trọng… ở đó. Mỉa mai là trên bao bì mỹ phẩm luôn có lời khuyên không dùng trên vùng da bị trầy xước.

Thử nghiệm độc tố LD50

Dùng để thử nghiệm son môi, sản phẩm chăm sóc da, sơn móng tay… trên chó, mèo, chuột… Người ta cho ít nhất 50 động vật ăn mẫu thử từ từ và quan sát khi chúng chết dần để tìm ra lượng chất thí nghiệm giết chết một nửa số động vật đó. Tất nhiên những cái chết vì trúng độc không hề nhẹ nhàng, chúng phải trải qua những cơn đau bụng, co giật, tê liệt… trước đó.

Thử nghiệm “xông khói”

Với những sản phẩm có dạng xịt như keo xịt tóc hay nước hoa, người ta nhốt một con vật vào khoang kín, đeo mặt nạ, xịt sản phẩm vào và quan sát độ khó thở vì nhiễm độc.

Không ai bận tâm đến chuyện chữa lành những vết thương đó, vì tất cả động vật tham gia đều bị giết khi thử nghiệm kết thúc. Có những con vật bị bắt từ cuộc sống tự do, cũng có những con được nuôi để phục vụ riêng cho thử nghiệm, toàn bộ trải nghiệm trong đời chỉ là một thử nghiệm tàn nhẫn và đau đớn.

“Vì sự an toàn của người tiêu dùng”

Đó là lý do các công ty mỹ phẩm đưa ra để phản bác lại sự chỉ trích về những thử nghiệm tàn nhẫn trên động vật.

Việc thử nghiệm bắt đầu từ một thảm họa năm 1920, khi thuốc nhuộm lông mi Lash Lure nổi tiếng hóa ra lại gây kích ứng mắt, dẫn đến mù lòa, thậm chí tử vong. Từ đó, mỹ phẩm phải được kiểm tra độ an toàn trước khi sản xuất và động vật không may trở thành công cụ. Ở Châu Âu, thị trường mỹ phẩm lớn nhất thế giới với trị giá trăm tỉ đô la, hàng ngàn động vật khốn khổ bị hành hạ trong phòng thí nghiệm mỗi năm và hầu như chẳng được pháp luật bảo vệ, nghĩa là chẳng có cơ hội nào để thoát khỏi chuyện này.

Phần độc ác ở đây là, trên thực tế, những thử nghiệm trên không hoàn toàn chính xác vì cơ thể người và động vật rất khác nhau. Hơn nữa, có những cách khác để kiểm tra độ an toàn của mỹ phẩm, thậm chí hiệu quả hơn thử nghiệm trên động vật như tái tạo mẫu da người, mô phỏng trên máy tính, dùng các protein đặc biệt… Nhưng ngành công nghiệp mỹ phẩm vẫn tìm cách tránh né để tiết kiệm chi phí. Phong trào chống thử nghiệm trên động vật khởi đầu đã mấy chục năm nhưng gặp nhiều khó khăn. Mãi đến gần đây, động vật mới dần được chính thức bảo vệ khỏi sự tàn nhẫn khi năm 1998, nước Anh cấm thử nghiệm mỹ phẩm đã hoàn tất trên động vật, và luật này được toàn EU áp dụng năm 2004. Các công ty mỹ phẩm vẫn có cách lách luật, họ không thử nghiệm toàn bộ sản phẩm mà thử nghiệm từng thành phần trong đó, hoặc thuê các công ty bên ngoài kiểm tra rồi mua lại kết quả. Do đó, 11/03/2009, EU ban hành một luật chặt chẽ hơn: cấm thử nghiệm thành phần của mỹ phẩm lên động vật, bất kể có phương pháp thay thế khác hay không; cấm bán và nhập khẩu mỹ phẩm có liên quan đến việc thử nghiệm trên động vật trên toàn EU.

Sản phẩm không thử nghiệm trên động vật ở EU có những biểu tượng này.

logo not tested cruelty free

Quyền của động vật

Từ những tranh cãi của ngành mỹ phẩm rằng thử nghiệm động vật là cách để bảo đảm an toàn và phục vụ lợi ích cho con người, những người phản đối kịch liệt cho rằng con người không có quyền tước đoạt mạng sống của loài khác để bảo đảm sự an toàn cho mình, nhóm ôn hòa hơn cho rằng trong những vấn đề không mang tính sống còn như làm đẹp, nên tránh tối đa có thể việc làm hại động vật. Những học thuyết về quyền cơ bản của động vật được đem ra để mổ xẻ, tranh luận liệu động vật có quyền được bảo vệ bởi pháp luật hay không, và ở mức độ nào khi quyền đó mâu thuẫn với quyền lợi của con người. Đáp lại mối quan tâm đó, Hà Lan và New Zealand đã ban hành lệnh cấm tiến hành thí nghiệm trên một số loài khỉ.

Nếu bạn từng xem Luật Sư Tóc Vàng Hoe 2, hẳn sẽ nhớ cô nàng luật sư Elle đã lặn lội vào Quốc hội Mỹ để vận động cho luật Bruiser cấm thử nghiệm mỹ phẩm trên động vật. Bộ phim kết thúc bằng cảnh luật Bruiser được thông qua năm 2003 nhưng trên thực tế, hiện tại ở Mỹ Animal Test vẫn được xem là hợp pháp và cuộc chiến pháp lý vẫn đang tiếp diễn. Trong khi đó, người tiêu dùng đã bắt đầu tẩy chay mỹ phẩm thử nghiệm trên động vật vì làm đẹp cho mình không có nghĩa là gây đau đớn cho những sinh vật sống khác. Khi túi tiền bị đe dọa, các công ty tìm cách thay đổi, quảng cáo rùm beng rằng sản phẩm của họ “Không độc ác” (Cruelty-free), hoặc “Làm từ thiên nhiên” với ngụ ý không có thử nghiệm trên động vật.

Tuy nhiên, do luật còn khá hạn chế và chưa chặt chẽ, những trò gian lận, chơi chữ mập mờ vẫn có đất sống, chẳng hạn một sản phẩm có chứa thành phần thử nghiệm trên động vật vẫn có thể in dòng chữ “Not tested on animals” lên bao bì một cách hợp pháp, bằng cách lập luận rằng bao bì tượng trưng cho toàn bộ sản phẩm, không phải từng thành phần riêng biệt. Để chống lại việc này, ở một số nước, người ta lập danh sách các công ty cruelty-free thực sự để người tiêu dùng có thể làm đẹp và yên tâm họ đã góp phần bảo vệ quyền cho động vật, loại bỏ những thử nghiệm nhẫn tâm.

Bạn có thể vào trang web của Peta để kiểm tra các nhãn hàng cruelty-free.

Bạn có thể cứu những sinh vật đáng thương.

Chính thái độ của người tiêu dùng sẽ đưa những hành động tội ác này đến chỗ cáo chung. Khi tất cả chúng ta nhất quyết chỉ lựa chọn sử dụng mỹ phẩm không thí nghiệm trên động vật, thì một ngày nào đó, các hãng mỹ phẩm sẽ phải nhượng bộ. Những sinh vật vô tội đáng thương sẽ thóat khỏi số phận bị tra tấn cực hình.

thi nghiem tren dong vat

Nguồn: http://wininbeauty.wordpress.com/