The Body Shop – cái tên giản dị cho một nhãn hiệu mỹ phẩm.
Sự tích về cái tên
Năm 1970, cô nàng Anita Roddick từ Anh sang thăm chồng là anh Gordon đang làm việc ở Mỹ và tình cờ bị thu hút bởi một cửa hàng nhỏ ở đường Telegraph, Bekerley. Cửa hàng nhỏ này có tên có cái tên rất đơn giản: The Body Shop – chuyên bán dầu gội, kem dưỡng thể. Hai người chủ sẵn sàng giảm giá đặc biệt cho khách hàng nào mang chai cũ đi mua hàng thay vì vứt đi.
Một hợp đồng kinh doanh xuyên lục địa được lên kế hoạch. Tháng 3/1976, nhà Roddick cho ra mắt cửa hàng bán các sản phẩm chăm sóc da và cơ thể gắn mác “The Body Shop” đầu tiên ở số nhà 22 phố Kensington Gardens, Brighton, Anh.
Đã có rất nhiều câu chuyện ly kỳ về sự ra đời của cửa hiệu bé nhỏ này. Nào là người hàng xóm, chủ một tiệm lo ma chay không ngừng kêu ca và kiện lên cả Hội đồng thành phố về tên của cửa hàng (Body trong tiếng anh còn có nghĩa là… xác chết). Rồi nhiều người trong vùng còn đặt cược khi nào The Body Shop sẽ bị đóng cửa. Thế rồi, Anita Roddick viết thư cho Hội đồng thành phố và nói rằng cô đang phải nuôi dưỡng đứa con nhỏ, còn chồng thì đi làm xa. Cô thực sự chỉ muốn kiềm tiền chính đáng để nuôi con và không định làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh của ai hết. Hội đồng thành phố không có lý do gì để buộc cô chấm dứt việc kinh doanh. Logo và nhãn hiệu sản phẩm được thiết kế vô cùng đơn giản bởi một sinh viên mỹ thuật tên Jeff Harris với giá chỉ 20 bảng Anh.
Và đến tận bây giờ, khi The Body Shop đã trở
thành hệ thống dưỡng thể lớn thứ hai trên thế giới, với 2000 cửa hàng ở 54 quốc gia thì cái tên giản dị The Body Shop và hình logo trị giá 20 bảng ban đầu vẫn được giữ gìn như một lời hứa – kinh doanh vì lợi ích chung.
Khu vườn nhỏ kết nối thế giới thân thiện
Bước vào một cửa hàng của The Body Shop, bạn sẽ có cảm giác đang đứng trong… nhà kho của một khu nông trại, hay một vườn ươm. Bởi lúc này, trước mặt bạn là những chai mỹ phẩm chiết xuất từ hàng trăm loại thực vật khác nhau, loại thì quen thuộc, loại thì lạ hoắc từ tên gọi đến màu sắc.
Tháng 6/2007, The Body Shop tuyên bố 100% sản phẩm đều được tinh chế từ thực vật, chỉ có một số sản phẩm có thành phần sáp ong. Đến 2008, 65% sản phẩm của hãng có thành phần được sản xuất từ các nước thế giới thứ ba, các quốc gia nghèo. Những người sáng lập hãng hi vọng giúp những người dân các nước này bằng cách tạo cho họ việc làm, tạo ra nguồn thu nhập từ các phương phá cổ truyền và cây trồng mà họ có.
Công ty dự định đến năm 2010, 80% sản phẩm của The Body Shop sẽ không sử dụng các chất bảo quản nhân tạo. Đồng thời, các nhà khoa học của The Body Shop cũng đang tiến hành các nghiên cứu các nghiên cứu các chất kháng khuẩn, bảo quản hoàn toàn tự nhiên như cây trà xanh.
5 tiêu chí cho một thương hiệu thân thiên
The Body Shop nỗ lực theo đuổi sự thân thiện, thay vì sự xa hoa và cao cấp. Những “tín đồ” của nhãn hiệu này sẽ không chỉ nhớ mùi hương thiên nhiên của các sản phẩm mà còn đọc được vanh vách 5 tiêu chí kinh doanh đặc biệt nhân văn của The Body Shop:
- Nói không với thử nghiệm trên động vật.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ địa phương ở các nước nghèo.
- Khơi dậy niềm tự hào về bản thân trong mỗi người.
- Bảo vệ quyền con người.
- Gìn giữ hành tinh xanh.
Với 5 tiêu chí này, suốt 30 năm qua, các cửa hàng The Body Shop dần dần xuất hiện ở tất cả các quốc gia, từ nước phát triển đến nước đang phát triển, từ một phòng tắm nhỏ đến khu spa sang trọng. Mỗi sản phẩm của The Body Shop được những người hái chè ở châu Á đến người hái ca cao ở Brazil nâng niu, được các cô bé tuổi teen chào đón vì mùi hương lạ lẫm, được những bà nội trợ chấp nhận vì giá cả hợp lý và những dược sĩ, chuyên gia gật đầu vì chất lượng.
Sẽ là như thế, dù “made in China”, Pháp, Singapor hay Mỹ, cả thế giới đều biết: The Body Shop “made with passion (làm với niềm đam mê).