Gucci – niềm tự hào của nước Ý và niềm mơ ước của những cô nàng mê hàng hiệu.
Cảm hứng từ yên cương ngựa
Người sáng lập ra thương hiệu Gucci là Guccio Gucci, con trai của một thợ thủ công nổi tiếng ở vùng Florence, nước Ý. Chắc chắn các tín đồ thời trang sẽ không tin nổi Gucci ban đầu lại là một cửa hiệu làm… yên cương da.
Gucci vốn là một thợ thủ công có tay nghề hạng nhất trong việc tạo nên những thứ phụ kiện bằng da cho những người cưỡi ngựa. Vào những năm 1920, Guccio bắt đầu bán những chiếc túi da đẹp mắt cho những người đi ngựa. Những chiếc túi ngày một sửa đổi cho đẹp hơn, thậm chí có cả những chiếc túi đặc biệt kì công và đắt tiền. Thế nên những chiếc túi của Guccio dần dần thu hút cả những người… không cưỡi ngựa. Đến năm 1938, Guccio Gucci mở cửa hiệu bán lẻ đầu tiên trên phố Via Condotti ở Rome. Đến năm 1947, những chiếc túi có tay cầm bằng tre của Gucci đã giúp thương hiệu này trở nên nổi tiếng. Vào những năm 50, biểu tượng sọc đỏ, xanh lá, lấy ý tưởng từ dây đai yên cương ngựa của Gucci cũng được ra mắt và được chọn là mẫu trang trí kiêu kỳ trên tất cả các sản phẩm của Gucci.
Bài học vàng của những chữ G
Ngược lại với dự đoán của nhiều người, cũng như câu chuyện của thương hiệu khác. Sau ngày Guccio qua đời, thành công của Gucci không vì thế mà giảm sút. Tên tuổi của Gucci đã vượt qua nước Ý và cả châu Âu. Một loạt các cửa hàng của Gucci được mở khắp năm châu, từ Paris, Beverly Hills, London đến Tokyo. Đệ nhất phu nhân Jackie Kennedy đã giúp thương hiệu này bằng cách đồng ý chụp hình quảng cáo cho chiếc túi đeo vai của hãng. Sau đó, chiếc túi này được đặt tên theo bà là chiếc túi “Jackie O”.
Và đến những năm 1960, danh tiếng đưa Gucci trở thành đế chế mới của thời trang thế giới. Logo GG trở thành logo chính thức của Gucci. GG là từ viết tắt của tên Guccio Gucci và những người nhà Gucci tự hào về chữ G của họ. Song hành cùng danh tiếng, những rắc rối cũng bắt đầu đến với Gucci. Hãng Gucci nhái bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Hai con trai của Gucci là Rodolfo và Aldo bất hòa trong việc kinh doanh nước hoa mang thương hiệu Gucci. Trong khi những mặt hàng của Gucci được coi là biểu tượng thời trang của mọi thời đại thì tình cảm anh em trong gia đình Gucci rõ ràng không sáng ngời như thế.
Giữa thập niên 80, Aldo phải vào tù do trốn thuế. Năm 1983, Rodolfo qua đời. Maurizio Gucci, người cháu kế nhiệm Rodolfo không có tài lãnh đạo công ty. Đến những năm 80, Maurizio bán công ty cho một cổ đông người Arab. Những bất hòa đã làm cho gia đình Gucci mất thương hiệu này vào tay người khác.
Mãi mãi một biểu tượng
Đến thập niên 90, người lãnh đạo mới của Gucci (giờ đã không còn mang họ Gucci), Tom Ford, đã đưa thương hiệu này trở lại vị trí độc tôn vốn có của nó. Giờ đây, tên tuổi của Gucci đã không chỉ còn gắn với những chiếc túi. Các sản phẩm da, nước hoa, mỹ phẩm, giầy, khăn lụa, va li, đồng hồ, trang sức… đều lần lượt được các tạp chí thời trang danh tiếng, những ngôi sao thảm đỏ yêu thích. Vạch xanh đỏ của dây yên cương không hiểu sao phù hợp một cách lạ kỳ với bất kỳ thiết kế nào của Gucci. Các thiết kê của Guccio cũng tồn tạo lâu bền một cách khó lý giải. Nhiều người lạc quan cho phép mình nghĩ những mẫu mã của Gucci dường như bất tử.
Trong rất nhiều bộ phim nổi tiếng của Hollywood như Pretty Women, Yêu nữ thích hàng hiệu, Luật sư không bằng cấp hay Sex and the City… khán giả tinh ý đều thấy sự xuất hiện của GG. Cả những series truyền hình có liên quan đến thời trang nổi đình đám trong giới trẻ là Gossip Girl hay Ugly Betty cũng không thể không có Gucci.
Bạn có biết
– Gucci” phát âm là /gu-chi/ chứ không phải là /gu-si/
– Từ “Gucci” được dùng trong quân đội Anh như một tính từ miêu tả bộ đồ dùng cá nhân mang theo người của các sỹ quan cấp cao.
– Sách kỷ luật Guinnes ghi nhận một chiếc quần jeans của Gucci là chiếc quần đắt nhất thế giới. Chiếc quần đã cũ lại bị mài rách và đính hạt đã được bán ở Milan vào tháng 10/1998 với giá 3,134 đô-la.