Dù thân mỏng manh đến mấy, hoa poppy vẫn luôn vươn thẳng để những cánh hoa được rung rinh kiêu hãnh trong gió và ánh Mặt Trời. Đó là triết lý thương hiệu của Kenzo!
Thương hiệu Nhật Bản ở Paris
Paris hào hoa đã có quá nhiều ngôi sao thời trang đến nỗi không có chỗ cho một người Châu Á bình thường. Thế nên, chắc chắn, người Châu Á thành danh ở Paris phải là một người Châu Á rất khác.
Kenzo Takada sinh ngày 27/2/1939 tại Himeji, Nhật Bản. Tình yêu mãnh liệt dành cho thời trang đã có trong Kenzo từ khi ông còn rất trẻ nhờ vào những tờ tạp chí thời trang của chị gái ông. Tốt nghiệp trung học, Kenzo cũng thi vào trường đại học Kobe theo mong muốn của bố mẹ. Nhưng thời gian học tập này không kéo dài lâu. Khi cảm thấy việc học hành này quá chán nản và không phải dành cho mình, Kenzo xin thôi học trong sự thất vọng của gia đình. Năm 1958, Kenzo xin học ở trường cao đẳng về thời trang Bunkan ở Tokyo khi trường vưa nới lỏng chính sách, chấp nhận sinh viên nam.
Kenzo tốt nghiệp xuất sắc và dành được bằng diploma. Năm 1964, ông đến và định cư ở Paris. Đương nhiên ban đầu, Kenzo gặp không ít khó khăn để thể hiện tài năng của mình. Ông chăm lui tới những khu vực mà những người trong nghề hay tụ tập, có mặt tại các show diễn, làm quen với báo chí và nỗ lực bán các phác thảo của mình. Khó ai tin được, Kenzo, chủ nhân của những chiếc váy nghìn đô hôm nay đã từng tiết kiệm từng đồng France một để có thiết kế đầu tiên. Khi mới đến Paris, ông chỉ đủ tiền mua những mẩu vải thừa ở chợ. Sau một thời trang suy tính, Kenzo quyết định lấy tất cả chỗ vải thừa, kết hợp với nhau, khâu lại để tạo thành một mảnh vải đủ lớn để dựng mẫu. Năm 1970, thành công bắt đầu mỉm cười với nhà thiết kế người Nhật. Trong năm này, Kenzo có được show diễn đầu tiên ở Vivienne Gallery; cùng lúc đó, Jungle Jap, cửa hàng đầu tiên của Kenzo cũng được khai trương. Một thiết kế của Kenzo được lên trang bìa của tạp chí Elle.
Đến năm 1971, bộ sưu tập của Kenzo vượt biên giới, đến với các sàn diễn ở New York và Tokyo. Và chỉ một năm sau, Kenzo giành được giải thưởng của CLB Biên tập viên thời trang của Nhật Bản. Năm 1978 và 1979, Kenzo làm giới thời trang sửng sốt bằng show diễn có 1-0-2 khi sàn catwalk được hô biến thành một… rạp xiếc, diễn viên điều khiển thú tỏa sáng trong bộ trang phục kiểu transparent (trong suốt) của Kenzo và ông xuất hiện cuối cùng trên… lưng một chú voi.
Năm 1983, Kenzo cho ra mắt dòng sản phẩm dành cho nam giới. Năm 1988, dòng nước hoa nữ đầu tiên của Kenzo mang tên Kenzo de Kenzo cũng được khai sinh và làm xiêu long bao phụ nữ.
Năm 1999, Kenzo tuyên bố nghỉ hưu và trao lại quyền quản lý cho trợ lý của mình. Thế nhưng, cái đẹp vẫn cuốn lấy ông. Năm 2005, ông cho ra mắt nhãn hang đồ nội thất, trang trí mang tên “Gokan Kobo” (trong tiếng Nhật có nghĩa là Xưởng sản xuất của 5 giác quan)
Bùng nổ nhưng kiên nhẫn, hai tính cách trái ngược có trong Kenzo đã giúp ông trụ lại Paris thành công và buộc giới thời trang Paris nghĩ khác về Châu Á.
Cả thế giới trên chiếc váy
Ngày nay, Kenzo là thương hiệu cao cấp được hâm mộ trên toàn Thế giới, có trong tay 37 boutique ở những thánh địa thời trang sang trọng nhất Thế giới.
Năm 1993, thương hiệu Kenzo được gia nhập “danh gia vọng tộc” của Thế giới thời trang mang tên LVMH, nơi những thương hiệu đắt giá nhất, xa xỉ nhất được vinh danh.
Kenzo được coi là nhà thiết kế chu du nhiều nhất và các thiết kế của ông là những thiết kế đa văn hóa nhất thế kỷ 20. Không hiểu có phải vì thiết kế đầu tiên từ những mảnh vải vụn không mà Kenzo yêu thích những sự kết hợp đối lập mà tinh tế trong thời trang. Ông thích chắp vá những mảnh ghép văn hóa, dân tộc, tôn giáo trên những thiết kế của mình. Trong “window” của một boutique Kenzo, bạn có thể thấy ma-nơ-canh mặc chiếc váy kiểu
La Mã dưới chiếc áo len cao cổ vùng Scandinavia, có thể bận chiếc khăn rebozo của Mexico với những trang phục pastel của Nhật. Cảm hứng của Kenzo trải dài từ những bộ tộc châu Mỹ đến kiến trúc Ai Cập, từ Châu Phi cho đến Ấn Độ. Kenzo không sợ sắc màu, ông bắt bạn với các nền văn minh và biến hóa chúng dưới cây bút “Kính vạn hoa” của mình. Chả thế mà khi cho ra đời dòng sản phẩm đồ nam, Kenzo đã gọi nó là “80 ngày vòng quanh Thế giới”.
Bạn còn có thể chu du cùng mùi hương của Kenzo. Đó là hương thơm của những cánh đồng hoa anh túc nước Anh bất tận (Flower by Kenzo), hương nước Địa Trung Hải trong vắt của L’Eau par Kenzo hay trải dài theo cảm xúc Á Đông với hương gạo, hoa gừng, lá trúc và sen trắng của Kenzoki. Khi phát triển nước hoa, Kenzo kiên định giá trị: Gắn thiên nhiên với thơ ca, kết hợp phương Đông với phương Tây và nhiều hơn những gặp gỡ đối nghịch khác.
Thế giới mà nhân loại ao ước không gì khác với Thế giới trên chiếc váy hoa Kenzo, một Thế giới mà các dân tộc, tôn giáo chung sống hòa bình, đoàn kết và rạng rỡ sắc màu niềm vui.