Hiện nay phong cách thời trang tối giản Minimalism luôn là một cơn sốt chưa bao giờ hạ nhiệt trong giới thời trang. Vậy điều gì khiến cho Minimalism trở thành xu hướng trường tồn và không bao giờ lỗi mốt. Hôm nay chúng ta cùng đi tìm hiểu về Minimalism nhé!
Cùng Tintre.net cập nhật các kiểu phong cách thời trang phổ biến hiện nay bạn nên biết
1. Phong cách Minimalism là gì ?
Minimalism hay còn được biết đến là chủ nghĩa tối giản, một lối thiết kế thịnh hành ở đất Mỹ vào những thập niên 60s – 70s. Thiết kế theo lối chủ nghĩa tối giản chính là giảm bỏ toàn bộ những chi tiết thừa thãi, giữ lại những gì đơn giản nhất. Thiết kế hướng Minimalism được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như nội thất, tạp chí, ấn phẩm,… Và thời trang cũng không ngoại lệ. Phong cách thời trang Minimalism là phong cách ưa chuộng lối thiết kế tối giản “back-to-basic”, lược bỏ những chi tiết, kiểu dáng quá cầu kỳ, ưu tiên sự thoải mái nhưng vẫn thanh lịch, sang trọng. Có thể nói Minimalism lược bỏ hết những cái thừa thãi, chỉ giữ lại cái cốt lõi tối giản, đơn giản nhưng cuốn hút nhất. Và Minimalism là phong cách thời trang tối giản hóa để tạo sự thoải mái, casual nhưng vẫn thanh lịch, thời thượng. Không những thế, Minimalism được ưa chuộng bởi tính ứng dụng cao, vì với những trang phục theo hướng Minimalism bạn có thể đi đến bất cứ nơi đâu, bất cứ dịp nào bởi nó đáp ứng mọi nhu cầu như thoải mái, lịch sự, trang nhã, sang trọng, đơn giản,… Phong cách thời trang đơn giản luôn là xu thế trong giới thời trang và được các nhà mốt lăng xê bởi không cầu kỳ nhưng vẫn tạo được hiệu ứng thị giác bắt mắt, cá tính.
2. Nguồn gốc ra đời của phong cách thời trang tối giản
– Lý do phong cách thời trang tối giản Minimalism ra đời
Có thể có rất nhiều lý do lý giải cho sự ra đời của Minimalism. Đầu tiên, có thể nói Minimalism xuất phát từ triết lý nghe có vẻ nghịch lý “càng ít càng nhiều – less is more”. Đây triết lý bắt nguồn từ nhà thiết kế người Đức Ludwig Mies van der Rohe – cha đẻ của chủ nghĩa tối giản Minimalism trong giới kiến trúc. Và triết lý less is more này cũng được các nhà thiết kế ứng dụng rất nhiều vào các thiết kế theo hướng phong cách thời trang Minimalism. Cũng có người cho rằng phong cách Minimalism được lấy cảm hứng từ nghệ thuật xếp giấy Origami của đất nước hoa anh đào Nhật Bản, với những thiết kế tiết chế hết mức các chi tiết chiết ly cầu kỳ, chỉ giữ lại form dáng đơn giản và chỉ sử dụng những gam màu đơn sắc thuận mắt.
– Nguồn gốc ra đời của phong cách thời trang tối giản
Minimalism được bắt nguồn từ trào lưu nghệ thuật tối giản, với các tác phẩm nghệ thuật của danh họa Piet Mondrian, Kazimir Malevich,… mở đầu. Vào những năm đầu của thập niên 20s, nhà thiết kế hàng đầu Coco Chanel đã khiến cả giới thời trang phải chú ý đến phong cách thời trang Minimalism. Bà dẫn đầu xu hướng Minimalism với lối thiết kế thanh thoát, uyển chuyển để toát lên vẻ thanh lịch. Với bà, phong cách thời trang tối giản đã xóa bỏ sự rườm rà để hướng đến vẻ đẹp thanh lịch, thuần khiết, tinh tế, hiện đại và sang trọng.
Đến những năm 60, Minimalism mới thực sự trở nên phổ biến trong giới nghệ sĩ. Và các thiết kế của thời trang theo hơi hướng Minimalism chịu ảnh hưởng bởi các tác phẩm nghệ thuật, điển hình là chiếc váy Mondrian do Yves Saint Laurent thiết kế năm 1965.
Mẫu váy Mondrian trứ danh này đã đánh dấu sự thành công của nhà thiết kế Yves Saint Laurent trong phong cách thời trang đơn giản này. Minimalism vẫn luôn phát triển mạnh mẽ và bền bỉ với các thiết kế kiểu dáng váy suông mang đến cho phái nữ sự thon gọn của các nhà mốt André Courrèges và Pierre Cardin.
Và đến thập niên 70, những chiếc váy với thiết kế đơn giản nhưng tinh xảo và những bộ jumpsuit độc đáo của Halston đã trở thành biểu tượng thời trang cho Minimalism. Phong cách tối giản trở nên cực thịnh hành vào những năm 90 khi hàng loạt các ông lớn trong ngành thời trang đua nhau theo đuổi Minimalism với sự ra mắt bộ sưu tập đầu tiên của nhà thiết kế Tom Ford cho Gucci vào năm 1996 và của Marc Jacobs cho Louis Vuitton vào năm 1998.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của Miuccia Prada – người thừa kế Prada mới là đánh dấu sự rực rỡ nhất của phong cách Minimalism. Bà được xem là một trong những nhà mốt có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến sự phát triển phong cách tối giản. Những thiết kế của bà luôn nằm ngoài cuộc chạy đua xu hướng, với thiết kế thanh lịch trên các nền chất liệu cao cấp. Vì vậy bà luôn giữ được sức hút và dấu ấn rất riêng mặc dù giới thời trang xoay chuyển và biến hóa liên tục. Bên cạnh đó, người có công đưa Minimalism trở thành xu hướng ở Châu Á là Comme des Garçons và Issey Miyake.
3. Nguyên tắc phối đồ phong cách thời trang tối giản
– Less is more
Hãy luôn bám sát với triết lý “càng ít càng nhiều – less is more”. Triết lý này cũng chính là điều kiện và tinh thần đầu tiên vô cùng quan trọng bạn phải quan tâm khi theo đuổi phong cách thời trang Minimalism. Bởi Minimalism đề cao sự đơn giản, tinh tế và thoải mái. Câu “less is more” được hiểu là hãy lược bỏ những thứ thừa thãi, cầu kỳ, chỉ giữ lại cốt lõi đơn giản nhưng sự tinh tế, thanh lịch, trang nhã sẽ thể hiện nhiều hơn, càng ít cầu kỳ càng đẹp mắt. Không những vậy “less is more” còn được hiểu là hãy ưu tiên những item quần áo tối giản must-have và dễ kết hợp như áo thun trắng, sơmi trắng, quần skinny đen, váy đen nhỏ, blazer màu trung tính… Hay còn được hiểu là chất lượng hơn số lượng. Bạn không cần quá nhiều item quần áo, phụ kiện cầu kỳ mà chỉ cần có vừa đủ và ưu tiên hướng đến chất liệu cũng như kỹ thuật may. Vì vậy phong cách Minimalism còn được ca ngợi bởi ngăn chặn tư duy fast-fashion và ý thức bảo vệ môi trường.
– Ưu tiên lựa chọn các trang phục tối giản
Như tên gọi Minimalism, nguyên tắc cơ bản tiếp theo chính là ưu tiên sử dụng, lựa chọn những trang phục basic với các item đa-zi-năng để dễ kết hợp và tận dụng được nhiều dịp. Nên thay vì lựa chọn những trang phục cầu kỳ, phức tạp, bạn hãy ưu tiên những trang phục tối giản. Hãy lựa chọn những kiểu mẫu quần áo basic để có thể phù hợp với mọi hoàn cảnh, mọi dịp và mọi lúc bạn cần.
– Lựa chọn những tone màu đơn sắc và trung tính
Yếu tố quyết định tiếp theo của phong cách thời trang tối giản Minimalism chính là sự lựa chọn các gam màu. Minimalism thường ưa chuộng các tone màu đơn sắc, trung tính như beige, trắng, đen, nâu, xanh dương,… để tăng tính ứng dụng cao và làm hài hòa tổng thể bộ trang phục. Nên khi bạn muốn theo đuổi xu hướng Minimalism, bạn nên lựa chọn những trang phục có gam màu đơn giản, dễ phối hợp và trung tính.
– Quan tâm chất liệu
Minimalism luôn cân nhắc đến sự tối giản hóa và sự thoải mái. Vì vậy chất liệu là một trong những yếu tố tạo nên nét đặc trưng của phong cách thời trang đơn giản này. Không những vậy chất liệu còn quyết định đến giá trị, độ thanh thoát của bộ trang phục. Vì vậy bạn thay vì những chi tiết, kiểu dáng cầu kỳ bạn cần quan tâm nhiều hơn đến chất liệu cũng như đường may. Hãy ưu tiên lựa chọn các chất liệu cao cấp như vải lụa, vải sợi linen, ren, satin, đũi nhung, vải tweed,… để tạo cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát và tự nhiên.
– Cân nhắc kiểu dáng phù hợp
Cho dù là bạn đang theo đuổi phong cách hay xu hướng thời trang nào, thì bạn đều cần phải cân nhắc lựa chọn kiểu dáng trang phục sao cho phù hợp với dáng người của mình. Việc này sẽ giúp bạn tôn lên vẻ đẹp của cơ thể và tránh bị quần áo dìm người. Minimalism cũng không ngoại lệ, bạn cần lựa chọn thật cẩn thận những trang phục phù hợp với dáng người, màu da và make up để có thể tự tin và xinh đẹp nhưng vẫn thoải mái.
– Phụ kiện thời trang theo phong cách thời trang Minimalism
Khi phối đồ theo phong cách tối giản, bạn cũng cần phải lựa chọn những phụ kiện sao cho phù hợp với tổng thể trang phục. Hãy ưu tiên lựa chọn những phụ kiện trang sức thanh mảnh, nho nhỏ để trông không quá phô trương mà vẫn cuốn hút, thanh lịch. Ưu tiên những chiếc vòng cổ sợi mảnh màu vàng đồng hoặc bạc để có thể mix & match thật nhiều outfit. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lựa chọn giày hoặc túi xách theo phong cách simple, tone màu trung tính và dễ phối hợp với toàn bộ trang phục. Một mẹo nhỏ khi phối đồ theo minimalism là đừng phối quá 3 màu trên tổng thể trang phục và hãy phối giày và túi xách cùng màu. Việc này sẽ giúp trang phục của bạn trông hài hòa và tự nhiên hơn đó!
4. Các nhà thiết kế nổi tiếng với phong cách Minimalism
Minimalism vẫn luôn là một cơn sốt chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt khi hàng loạt các nhà mốt trong giới thời trang đua nhau theo đuổi. Và sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn những nhà thiết kế nổi tiếng với phong cách thời trang tối giản này:
– Coco Chanel và biểu tượng thời trang Little black dress
Có lẽ cái tên Coco Chanel chính là một trong những biểu tượng thời trang nổi đình đám nhất khi nhắc đến xu hướng thời trang Minimalism. Bà chính là một trong những người đầu tiên khiến giới thời trang thế giới chú tâm đến Minimalism vào những năm 20.
Thiết kế Little black dress của Coco Chanel đã đánh dấu cuộc cách mạng thời trang tối giản vào khoảng thời gian đó. Với thiết kế được tối giản hóa, lược bỏ những chi tiết cầu kỳ, thừa thãi, chỉ giữ lại những gì cốt lõi đơn giản nhất với gam màu đen tuyền, chất liệu vải cứng và kiểu dáng phóng khoáng. Thiết kế này đã đánh dấu tên tuổi của Coco Chanel cũng như đặt dấu mốc cho xu hướng Minimalism. Bà luôn tìm kiếm một lối thiết kế cấu trúc mới mẻ, mang đến sự tự do, thoải mái và phóng khoáng cho người phụ nữ với quan niệm: “Tính thanh lịch được thể hiện qua sự thanh thoát và uyển chuyển của đường nét nhiều hơn qua các họa tiết trang trí và khâu đính kim sa”. Bà chính là người viết nên huyền thoại của giới thời trang khi định nghĩa lại thời trang giải thoát sự ràng buộc phụ nữ, tạo nên hai cuộc cách mạng thời trang thế giới ở thế kỷ 20.
– Queen of less – Nữ hoàng tối giản Jil Sander
Nhà thiết kế người Đức Jil Sander vẫn luôn là cái tên thường xuyên được nhắc đến khi nói về Minimalism. Ở những năm 80, bà đã tự tay tạo nên cách mạng thời trang tối giản Minimalism và đưa thương hiệu của bản thân thành đế chế thời trang hàng đầu với trị giá lên đến 200 triệu USD. Các thiết kế của Jil Sander luôn lấy phong cách Minimalism làm chủ đạo, với các đường may cắt gọn và nét cúp sắc sảo để có thể tôn dáng người mặc.
Với chủ nghĩa đơn giản nhưng không nhàm chán, bà đã tạo ra những bộ trang phục tối giản nhưng vẫn cuốn hút. Và có lẽ các tín đồ Minimalism không ai là không biết đến kiểu trang phục pant suit ( đồ vest đơn sắc) của nhà thiết kế người Đức này, tạo nên tiếng vang không thua kém gì mẫu thiết kế New Look của Christian Dior năm 1947. Sau khi công ty bị Prada mua lại và khoảng năm 2009, bà rời khỏi Jil Sander và tự thành lập nhãn hiệu cá nhân. Bà đã hợp tác với Uniqlo sau đó và trực tiếp giám sát thiết kế cho cả dòng trang phục nam và nữ với tên gọi + J. Các bộ sưu tập lần lượt ra đời với các kiểu áo khoác, hàng dệt kim, áo thun và phụ kiện có thiết kế tối giản, màu sắc đơn sắc trung tính đúng như phong cách thiết kế Minimalism đặc trưng của Jil Sander.
– Cristóbal Balenciaga và tuyệt phẩm chiếc váy cưới Minimalism
Có lẽ các tín đồ Minimalism không còn quá xa lạ với thiết kế áo cưới tối giản của Balenciaga vào năm 1967. Chiếc váy cưới tuyệt phẩm này luôn được nhắc đến trong giới thời trang Minimalism bởi nhà thiết kế đã may nó chỉ với 3 đường chỉ trên nền lụa gazar đơn giản. Thế nhưng nó tạo nên sức hút khó cưỡng và thanh thoát không một ai có thể phủ nhận. Mỗi khi nhắc đến Cristóbal Balenciaga, người ta luôn nhắc đến những thiết kế với đường may, cắt ráp phá cách đi trước thời đại và phá vỡ mọi nguyên tắc.
Các đường cắt may trong trang phục phục do Balenciaga thiết kế luôn gây ấn tượng công chúng chịu ảnh hưởng bởi nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Ông luôn tính toán cẩn thận tỉ lệ để thiết kế của mình đạt được sự sắc sảo và thanh thoát tuyệt vời. Balenciaga cũng là người có công đưa phong cách thời trang tối giản Minimalism đến gần với công chúng hơn. Rất nhiều người truyền tai nhau rằng, bất kì một người phụ nữ nào đã mặc lên người thiết kế của Cristóbal Balenciaga thì sẽ không vừa ý với thiết kế của bất kì một ai khác. Tài năng của ông được đánh giá cao và lan truyền khắp thế giới, hàng loạt các người nổi tiếng hay các icon fashion như Marlene Dietrich và Greta Garbo đều muốn được khoác lên người thiết kế của ông. Thậm chí khi thế chiến đang diễn ra căng thẳng, các khách hàng thượng lưu sẵn sàng lao vào nguy hiểm chỉ để đến Paris để xem tận mắt bộ sưu tập của ông.
– Céline và lý tưởng nghịch lý “Less is more”
Sau khi Phoebe Philo tiếp quản và điều hành Céline sau năm 2008, nhà mốt lừng danh này đã “thay máu” cho thương hiệu với lý tưởng “càng ít càng nhiều”. Bà vẫn giữ được nét giá trị duy mỹ của nhà thiết kế lâu đời, thay đổi hầu như toàn bộ lối thiết kế mang cảm hứng nữ tính với sự kết hợp nhiều họa tiết cầu kỳ và chất liệu bằng hướng thiết kế giản đơn nhưng mang hơi thở trẻ trung và mang tính tiên phong rõ rệt. Bà đã đưa lối thiết kế theo xu hướng Minimalism vào chính những bộ trang phục của Céline.
Những thiết kế theo hướng Minimalism đã làm nên tiếng tăm của Céline dưới sự chỉ đạo của Philo có thể nhắc đến như các mẫu đầm two-tone slip tinh tế, áo choàng cape với tông màu đơn sắc thời thượng.
Céline Spring / Summer Collection 2022
Céline Autumn / Winter Collection 2022
– Rei Kawakubo và bộ sưu tập Xuân Hè 1997
Bộ sưu tập Xuân Hè 1997 của Comme des Garçons do nhà thiết kế Rei Kawakubo chính là show có tầm ảnh hưởng nhất trong lịch sử phong cách thời trang Minimalism. Bà đã truyền tải thông điệp mang đậm dấu ấn và tinh thần của Minimalism đó chính là thoát ly khỏi những thiết kế, kiểu dáng truyền thống, những kiểu trang phục gò bó giới tính, tuổi tác.
Ở bộ sưu tập Xuân Hè 1997, bà Kawakubo dường như vẫn thể hiện nét cá tính riêng trong lối thiết kế của mình khi cho trình diễn những bộ trang phục phá vỡ quy tắc tiêu chuẩn của định kiến về thời trang phụ nữ. Với những trang phục theo thiết kế gói ghém người mẫu trong những form dáng hình khối lạ mắt và độc đáo, bất tuân quy tắc về tỉ lệ cơ thể như nhằm nói rằng trong thời trang không hề có tiêu chuẩn nào là mãi mãi và độc tôn, và thời trang cũng không gò bó giới hạn của cái đẹp. Nên mặc dù bộ sưu tập này không theo những nguyên tắc cơ bản của Minimalism nhưng vẫn rất đậm nét tinh thần phong cách tối giản.
Vậy nên suốt bao nhiêu thập kỷ qua, cơn sốt Minimalism vẫn chưa hề hạ nhiệt và vẫn đang đi đầu xu hướng thời trang thế giới, như được nhận xét “Phong cách thời trang tối giản chính là tương lai của thời trang”. Follow chúng tôi để biết nhiều hơn về các xu hướng thời trang thịnh hành hiện nay nhé!