Có lẽ trong mỗi chúng ta không ai không ngạc nhiên và thật sự bất ngờ, thán phục trước các sự kiện gần đây như máy tính AlphaGo đánh bại kỳ thủ cờ vây thế giới Lee Sedol, hãng IBM tạo ra chiếc siêu máy tính Watson hay ứng dụng nhận diện chữ Nhật viết tay của Nhật Bản… Tất cả những điều này cho thấy trí tuệ nhân tạo đang trên đà phát triển vượt bậc và còn có khả năng đi xa đi cao hơn nữa trong tương lai.
Vậy trí tuệ nhân tạo là gì? Nguồn gốc và ứng dụng của nó như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Trí tuệ nhân tạo là gì?
Trí tuệ nhân tạo hay còn gọi là AI (viết tắc của Artificial Intelligence) hiện nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau:
- Theo Wikipedia, trí tuệ nhân là trí tuệ được biểu diễn bởi bất cứ một hệ thống nhân tạo nào. Thuật ngữ này thường dùng để nói đến các máy tính có mục đích không nhất định và ngành khoa học nghiên cứu về các lý thuyết và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo.
- Theo Rich anh Knight (1991): Trí tuệ nhân tạo là khoa học nghiên cứu xem làm thế nào để máy tính có thể thực hiện những công việc mà hiện con người còn làm tốt hơn máy tính.
- Theo Bellman: Trí tuệ nhân tạo là tự động hoá các hoạt động phù hợp với suy nghĩ con người, chẳng hạn các hoạt động ra quyết định, giải bài toán, …
Nhìn chung, tất cả các khái niệm đều khẳng định rằng trí tuệ nhân tạo là một ngành khoa học máy tính. Nói môn na rằng, không biết bằng cách nào đó, các nhà khoa học sẽ làm cho máy tính có được những trí tuệ như con người.
Nguồn gốc của trí tuệ nhân tạo
Đầu tháng 10/1950, nhà bác học Alan Turing, người Anh đã xem xét một vấn đề “liệu máy tính có khả năng suy nghĩ hay không?”. Bắt đầu từ suy nghĩ này và để đi tìm lời giải đáp, ông đã đưa ra phép thử bắt chước mà sau này được gọi là phép thử Turing.
Phép thử này gồm 3 đối tượng: một người phỏng vấn, 2 đối tượng trả lời câu hỏi là con người và máy tính. Tại phép thử này, lần lượt hai đối tượng trả lời câu hỏi sẽ trả lời những câu hỏi của người phỏng vấn đưa ra trong phòng tách biệt. Cuối cùng, kết quả là người hỏi không phân biệt được đâu là câu trả lời của con người và đâu là câu trả lời củ máy tính.
Mùa hè năm 1956, tại trường Dartmouth (Mỹ), Marvin Minsky và John McCarthy tổ chức hội nghị với sự tham gia của các nhà khoa học và khái niệm về trí tuệ nhân tạo được công nhận chính thức và được sử dụng cho đến ngày hôm nay. Cũng chính tại lúc này, Bộ môn nghiên cứu AI đầu tiên đã được thành lập.
Từ đó, trí tuệ nhân tạo không ngừng phát triển vượt bậc và đem lại những kết quả đáng kinh ngạc như chúng ta đã đề cập ở trên.
Một số ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong thực tiễn
Có thể nói, không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo trong đời sống của con người. Nó góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy quá trình tự động hóa, số hóa nền kinh tế của nhân loại, giúp tiết kiệm không ít thời gian, sức lao động.
Một số ứng dụng có thể nhắc đến của AI như; Dịch tự động, nhận dạng chữ viết, nhận dạng tiếng nói, tìm kiếm thông tin, robot, lái xe tự động,…
Nhìn chung, trí tuệ nhân tạo được chia thành 2 nhóm: Một nhóm dùng máy tính để bắt chước hành vi của con người, một nhóm là thiết kế ra những máy tính thông minh độc lập, có khả năng tự học hỏi và tự suy nghĩ và giải quyết vấn đề như con người.
Mặc dù, vẫn có nhiều ý kiến lo ngại về công ăn việc làm của con người khi trí tuệ nhân tạo phát triển cũng như sự lệ thuộc của con người vào nó. Nhưng thiết nghĩ, nếu chúng ta có những kế hoạch, chính sách phù hợp thì trí tuệ nhân tạo sẽ là nền tảng đưa loài người bước lên một tầm cao mới.